ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI…

Trong vòng chưa đầy một tháng tính từ khi chiếc áo dài đầu tiên đến với chị em vùng lũ trong chuyến đi cứu trợ của nhóm TOT Bình Thuận, hơn 9.000 áo dài từ mọi miền của đất nước đã đến với miền Trung, kịp cho ngày Hội của các cô giáo nhân ngày 20/11.

Đặng Kim Oanh là một trong những “thủ lĩnh” của những “phiên chợ 0 đồng”, “chợ răng sún”. Trong chuyến vào miền Trung, ngoài gạo, mắm ruốc chưng thịt, cá cơm chiên mắm… chị mang theo một thùng áo dài xin được từ bạn bè. Dù cơn lũ vừa đi qua để lại ngổn ngang bùn đất, các bà, các chị nơi đoàn dừng chân vẫn hồ hởi, rạng rỡ khi được nhận thêm một tấm áo dài. Vất vả, lam lũ bao nhiêu đi nữa thì cũng vẫn cần phải đẹp. Có anh chồng tâm sự, vợ chưa một lần được mặc áo dài.

Kim Oanh với mình vốn là bạn bè từ mạng ảo bước ra đời thật. Oanh làm cho TOT, mình làm cho “Vì ta cần nhau”. Tụi mình luôn chia sẻ các ý tưởng từ viết sách đến làm thiện nguyện. Trở về Phan Thiết, Oanh rủ mình làm “chợ áo dài 0 đồng” cho các cô giáo vùng lũ.

Hải Lăng – Quảng Trị là huyện đầu tiên chúng mình chọn làm thí điểm. Anh Phung Dang – Phó phòng Giáo dục Huyện rất vui mừng và sốt sắng liên lạc với các trường để tập hợp số lượng. Từ Hải Lăng, tụi mình mở rộng ra Hướng Hoá, Triệu Phong. Rồi cũng thông qua các mối quan hệ “dắt dây”, tụi mình đã “với tay” được ra Quảng Bình, vào Quảng Nam.

Thực sự, khi bắt đầu chương trình 10.000 áo dài, mình không lường được khối lượng công việc của những đầu mối tham gia dự án. Nếu mỗi bộ áo dài cần ít nhất 10 phút để là phẳng phiu, đóng gói, dán nhãn và viết thiệp thì 9.000 bộ áo dài của chương trình sẽ là 1.500 giờ đồng hồ. Chưa kể còn cần thêm gần nửa thời gian như thế để các đầu mối phân loại, chọn lọc lần cuối trước khi đóng thùng gửi đi. 10 phút với quỹ thời gian của mỗi cá nhân là không đáng kể số với 24 giờ trong ngày. Nhưng nhiều người tham gia hoặc quá bận bịu, hoặc chỉ nghe bạn bè mách nhau, nên mang luôn cả bịch áo đến góp. Nhóm TOT của Kim Oanh ở Bình Thuận sau một tuần lựa áo, phân size thì… viêm họng cả loạt vì bụi. Dần dần, quy trình chuyên môn hoá cũng hình thành. Các cụ 70-80 tuổi xung phong nhận việc giặt áo. Thanh niên trong nhóm là ủi. Chị em tổ hưu trong nhóm đóng gói. Nhiều “xưởng áo dài” sáng đèn đến tận nửa đêm. Nhiều tấm ảnh do bạn bè chia sẻ đã chạm đến trái tim của cả người cho và người nhận. “Ăn – áo dài. Ngủ – áo dài”. Dù không cố ý, nhưng thỉnh thoảng vẫn lọt vào khuôn hình những cộng tác viên nằm nghỉ bên cạnh cả chồng áo dài vừa được đóng gói xong.

Điều đáng giá nhất của chương trình 10.000 áo dài là sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều nhóm bạn bè đã tự đứng ra thu gom, đóng gói đúng quy cách trước khi chuyển đến cho “Vì ta cần nhau”. Lúc đầu, dự án chỉ đặt các điểm thu gom ở đầu cầu Hải Phòng, Hà Nội, Sài Gòn. Sau đó các đầu mối đã tự mở rộng ra Hải Dương, Ninh Bình, Quy Nhơn, Gia Lai, Nha Trang, Bắc Ninh… và mới đây nhất là Cần Thơ. Nhiều trường học, cơ quan, đơn vị thông qua tổ chức Công đoàn đứng ra phát động CBCNV như Sở Xây dựng, Công ty cấp nước, Trường PTTH Lê Quý Đôn – Hải phòng; Trường đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Mỏ Địa chất – Hà nội; Trường ĐH Sư phạm, ĐH Công nghiệp TP. HCM… Văn phòng du học Isd, Kho bạc Nhà nước… không thể kể hết những nhóm bạn đã chung tay để có 9.000 bộ áo dài được chuyển đi. Hiện nay, chương trình vẫn kết nối trực tiếp giữa các nhóm bạn và các trường. Con số 10.000 chỉ còn là vấn đề thời gian.

Dù các bạn không cần đến lời cảm ơn, và nói cảm ơn bao nhiêu cũng không đủ, mình vẫn phải nhắc đến hai bạn Vân Nguyễn Trường và Rose Nguyen đã lên đường đúng ngày mưa bão để đưa quà vào kịp trước ngày Nhà Giáo Việt Nam. Mình xin gửi lời cảm ơn đến các anh chị em ở Phòng giáo dục huyện, các toà soạn báo, các cơ quan đã đứng ra nhận phân phối đến tận tay các cô giáo vùng lũ.

Nhiều bạn tham gia chương trình này đã nhắn tin cảm ơn mình vì đã thấy cuộc đời tươi đẹp hơn. Có quá nhiều người tốt, nhiều tấm lòng nhân hậu hiện hữu. Như đã một lần mình nói với bạn bè: lòng tốt như những đốm lửa li ti ngoài trời đêm. Việc của chúng mình chỉ là gom chúng lại thành ngọn lửa.

Để khép lại “21 ngày đêm ăn – ngủ với áo dài”, mình xin mượn câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… Để gió cuốn đi”

This entry was posted in Kế hoạch, dự án, Nhật kí từng chuyến đi, Thực hiện dự án, Tổng kết hoạt động. Bookmark the permalink.