Thăm ngôi trường tình yêu ở Mù Cang Chải

Hiếu Minh, 29/5/2015

(Bài viết sau được đăng lần đầu trên blog Hiếu Minh, VTCN xin phép đăng lại ở đây)

clip_image001

Các cháu trong ngôi trường Tình yêu. Ảnh: HM

Trong chuyến công tác 4 ngày, đoàn công tác điện lực WB của anh Văn Tiến Hùng đã dừng chân, thăm trường mầm non Trống Tông ở Mù Cang Chải, được gọi là ngôi trường Tình yêu được tài trợ bằng tiền mừng đám cưới của Lê Thanh Chung – Lê Tuấn Anh, tổng số gần 168 triệu. Điện-Đường-Trường-Trạm nói lầu lầu trên bục nhưng đi vào cuộc sống không hề đơn giản.

Cách đây hai năm (1-2013), Hiệu Minh Blog từng giới thiệu về một nhóm làm từ thiện “Vì ta cần nhau” do Thanh Chung và các bạn khởi xướng, đôi khi chỉ là tấm chăn ấm, khi là bộ quần áo, mảnh lót sàn. Sau vụ đó, bạn đọc bên Hiệu Minh Blog cũng chung tay mua sách, có bạn mua hai cuốn sách tới 500$, một bạn khác tặng 500$, mỗi người một chút, cũng được 60-70 triệu.

Là người viết blog với trách nhiệm đối với bạn đọc, từ hồi bên Mỹ, tôi đã ngỏ lời với anh chị Tuấn Anh và Thanh Chung, nếu có dịp sẽ thăm nơi được thụ hưởng tiền tài trợ. Tiện thể thăm ngôi trường để thấy được nguồn tiền mà bạn đọc tặng trong đám cưới đã được sử dụng hiệu quả như thế nào.

Chiều ngày 26-5-2015, sau khi xe vượt đèo Ô Qui Hồ, một trong tứ đại đèo của Tây Bắc, qua vùng gió nóng như thiêu đốt của Tân Uyên, Than Uyên (Lai Châu), xe từ tiến về quốc lộ 32 và thị trấn nhỏ Mù Cang Chải hiện ra.

Gọi điện cho anh Giàng A Của, bí thư xã Chế Cu Nha, rất vui nghe giọng thật thà chất phác của người miền núi. Anh bảo, bác Minh và bác Hùng cứ lên đây, chúng em sẽ tiếp đón chu đáo.

Sáng hôm sau cả đoàn tập kết trên đường 32, dưới chân đồi Trống Tông, hỏi trường ở đâu. Ngửa cổ áp gáy, anh Của chỉ, trên kia kìa… Lên bằng xe máy hoặc đi bộ leo núi khoảng hơn một tiếng. Trường làng đặt ở đỉnh cao nhất của quả đồi có thể bao quát toàn bộ Chế Cu Nha và xa hơn là huyện lỵ Mù Cang Chải.

Anh Giàng A Của nhường cho tôi đi chiếc xem Dream II của anh vẫn dùng hàng ngày đi công cán. Cài số 1 cứ thế vừa đi vừa leo con đường độc đạo lên “Giời”. Mấy hôm trước có mưa rào, đường bị xói mòn, nhiều hố sâu hút, một bên là vách đất, một bên là vực thẳm, bánh xe chỉ có thể đi vào đúng vết bánh xe người trước đã vạch ra. Sơ xảy chút là đi gặp các cụ Lê Nin ngay, nếu không cũng sứt đầu mẻ trán.

Lâu không đi xe máy nên tôi mất thời gian hơn các bạn, vừa đi vừa đạp chân hai bên để điều khiển xe. Cuối cùng sau 20 phút, chúng tôi cũng lên được làng Trống Tông và ngôi trường bằng mái tôn nho nhỏ hiện ra.

clip_image002

Ngôi trường cũ. Ảnh: Vitacannhau.

clip_image003

Trường mới. Ảnh: HM

Lên đây mới thấy quí các anh các chị đi trước, bỏ công sức vào từng làng bản nghèo, tặng chăn ấm, đôi dép, cuốn sách cho các cháu bản xa mà đi từ đường quốc lộ cũng mất vài tiếng, đầy hiểm nguy. Mấy làng xã xa hơn cũng được các đoàn thăm và ủng hộ bằng những món quà cụ thể. Ngôi trường được xây do công lao đóng góp của bạn bè gần xa, nhưng dân trong xã tự nguyện gùi từng viên gạch, bao xi măng, khuân nguyên vật liệu lên đỉnh núi.

Mái nhà lợp tôn, có trần nhựa, xung quanh bao bọc bằng tôn, có cửa sổ, lớp khá sạch lát đá men nâu, ra vào bỏ giầy dép, vì ở trên cao nên khá mát. Có hoa giăng, thời khóa biểu treo trên cửa, bảng viết, bàn ghế xếp vào góc, phòng học khá xinh xắn, có lẽ là giấc mơ của tuổi thơ ở gần với “Giời” nhất nước Việt này.

clip_image004

Vui quá, đôi này lên được đỉnh. Ông be bé bên cạnh bảo, tớ vẫn lên xuống hàng ngày. Ảnh: HM

Các cháu đang kỳ nghỉ hè, các cô đi tập huấn ở Yên Bái, nhưng vẫn có một lớp mầm non đang học.  Cô giáo Sua người bản địa nói tiếng Kinh khá tốt ra tiếp. Các cháu ngồi trong lớp rất ngoan, không nói được tiếng Kinh nhưng bác Hiệu Minh bảo gì cũng biết. Trông ăn mặc cũng biết nhiều quần áo do tài trợ, đủ kiểu tây tầu. Nhìn các gương mặt cũng thấy loáng thoáng các còm sỹ hang Cua 😛

Lúc ở Sa Pa, cô Vũ Thu Hương (WB) chuẩn bị chút quà bỏng ngô, chip, kẹo, phát cho các cháu trong lớp và cả các cháu trong làng chơi trên sân trường. Nhìn các cháu ăn ngon lành những gói bánh kẹo, ước mang cu Luck và Bin tới đây mà nhìn cảnh này, có lẽ học về đạo đức nhanh hơn bất kỳ sự rao giảng nào trên bục.

Cô giáo gọi tất cả các cháu vào lớp kể cả các cháu lớn tuổi, rồi hát đồng ca. Lời trẻ thơ vang lên giữa đất trời Mù Cang Chải gây cho người nghe nỗi xúc động khó tả. Trong lúc hát, thấy một cháu đứng lên, cô Hương bảo, lại bỏ chỗ rồi. Hóa ra chau mang cái vỏ đựng kẹo bỏ vào sọt rác. Cứ nghĩ nhiều dân Kinh ở Hà Nội vác sách bảo vệ môi trường lên đây mà học trẻ con cách làm thế nào xả rác cho văn minh.

clip_image005

Các còm sỹ hang Cua. Quà từ miền xuôi. Ảnh: HM

Kết thúc chuyến thăm, thấy ngôi trường chưa có điện dù đường dây đi qua sân trường, trong cuộc họp ở tp Yên Bái, anh Văn Tiến Hùng nói với các anh bên Sở ưu tiên cho các cháu. Một lời hứa như đinh đóng cột, chuyện nhỏ, các anh ạ. Một niềm vui khác trong chuyến lên đỉnh đồi Trống Tông.

Ba tuần trước tôi dự hội thảo do MEC (Center for Media in Education Community) về truyền thông xã hội, thấy ấn tượng nhất là tam giác quyền lực: Nhà nước pháp quyền – Kinh tế thị trường – Xã hội dân sự. Lý thuyết và thực tiễn phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng minh 3 trụ cột quan trọng này.

Nhà nước tạo ra luật chơi, làm trọng tài cho các bên, sửa chữa những thất bại của thị trường. Kinh tế thị trường là nơi các doanh nghiệp vì mục đích lợi nhuận mà tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Xã hội dân sự là khu vực không vì lợi nhuận nhưng lại hoạt động như một bộ đệm hàn gắn mâu thuẫn, chăm lo tinh thần cho xã hội.

Việc làm của nhóm “Vì ta cần nhau” ở Mù Cang Chải đang góp phần mà người khác không thể làm hết. Những cộng đồng  vì dân nghèo, dân oan, cần được ủng hộ và mở rộng.

Nhớ blog của Thanh Chung có câu thơ “Nếu cứ đợi chờ nhau rồi hóa đá//Cõi nhân gian nước mắt sẽ không còn”. Để các cháu nghèo miền núi chờ cơm có thịt, áo lành, chăn ấm, mà không giúp ngay từ giờ, tuổi thơ dễ hóa đá. Lúc đó, muốn khóc cũng chẳng còn nước mắt. Góp gió thành bão, nhóm Vì ta cần nhau đã làm được nhiều việc đáng viết thành sách.

Thuở nhỏ cũng bằng tuổi các em như bây giờ, thỉnh thoảng một bác làm phòng thuế ở ngã ba sông Chanh – sông Hoàng Long tặng tôi thếp giấy có dòng kẻ, xoa đầu, cháu cố học nên người. Chút quà nhỏ ấy đi theo tôi suốt cuộc đời.

Chào cô giáo và các cháu, tôi đi bộ xuống núi với anh Giàng A Của. Vừa đi vừa chụp ảnh cảnh đẹp như chốn bồng lai, nói chuyện về tương lai miền đất mà mùa lúa chín vàng rực cả góc trời như nàng tiên ngủ chưa được đánh thức bởi du lịch chuyên nghiệp.

Chẳng hiểu sao, tôi tin tuổi thơ Mù Cang Chải được tình thương mến của các anh chị và cả bạn đọc của Hiệu Minh blog từ khắp năm châu chắp cánh, các con sẽ thành đạt.

HM. 29-5-2015

clip_image006

Đa sắc mầu: dân tộc, thể thao và cao bồi. Ảnh: HM

clip_image007

Chia sẻ tỉnh thương. Ảnh: HM

clip_image008

TKO – Người Việt dùng hàng Việt. Ảnh: HM

clip_image009

Hà Linh – Mắt trẻ thơ. Ảnh: HM

clip_image010

Sóc – Thò lò mũi xanh. Ảnh: HM

clip_image011

Hai chị em nhà Voi. Ảnh: HM

clip_image012

Mười Tạ – FC Barcelona. Ảnh: HM

clip_image013

Các tướng này coi núi đồi như cái vung. Ảnh: HM

clip_image014

Cụ này giống Xang Hứng của Cua Times. Ảnh: HM

clip_image015

Anh Dove đầu đội trời, chân đạp đất – Tướng này leo đồi chắc giỏi. Ảnh: HM

clip_image016

Thời khóa biểu. Ảnh: HM

clip_image017

Sân chơi nhìn xuống thung lũng – Sau cú nhẩy dây của cô Hương, đồi có lún xuống chút 🙄 . Ảnh: HM

clip_image018

Cô giáo mầm non. Ảnh: HM

clip_image019

Đoàn công tác. Anh Của, anh Hoàng, anh Hùng, cô giáo, Thu Hương và Nam.

clip_image020

Từ sân trường nhìn xuống. Ảnh: HM

clip_image021

Ruộng bậc thang dưới trường. Ảnh: HM

clip_image022

Làng Trống Tông nhìn xuống dưới. Ảnh: HM

clip_image023

Đi xuống khá nguy hiểm. Ảnh: HM

clip_image024

Niềm vui cô Hương với các cháu. Ảnh: HM

clip_image025

Hy vọng vào tương lai. Ảnh: HM

clip_image026

Le lói niềm tin Mù Cang Chải. Ảnh: HM

Nguồn: Blog Hiếu Minh (http://hieuminh.org/2015/05/29/tham-ngoi-truong-tinh-yeu-o-mu-cang-chai/)

This entry was posted in Bạn bè viết. Bookmark the permalink.